Ngày 12/06/2020 vừa qua, Sở Khoa Học Công Nghệ và Sở Giáo Dục và Đào Tạo Hải Phòng đã phối hợp tổ chức một buổi Hội Thảo Ứng Dụng Các Giải Pháp Công Nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong các cấp giáo dục phổ thông.

Hội thảo nhận được quan tâm tham gia của hơn 130 nhà quản lý thuộc ngành Giáo Dục và Đào Tạo đại diện các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó là sự góp mặt của nhiều đơn vị cung cấp những Giải pháp Công nghệ Giáo dục như Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Đức Pháp, ViewSonic, Công ty Cổ phần Misa, Công ty Cổ phần Robot Công nghệ Cao Steam Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám Đốc Sở Khoa Học và Công Nghệ: “Cuộc Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích giúp đỡ các cán bộ và những người tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy trong lĩnh vực Giáo dục hiểu biết sâu hơn về ý nghĩa của Khoa Học và Công Nghệ. Đây không chỉ đơn thuần là những phần cứng hay thiết bị mà còn là công nghệ về giảng dạy, những phương pháp tư duy mới và cách tiếp cận mới đối với Giáo dục. Thông qua cuộc Hội thảo này, chúng ta hy vọng rằng việc ứng dụng Khoa Học Công Nghệ ngày càng sâu hơn nhằm mục đích nâng cao chất lượng Giáo dục và chuẩn bị được một lực lượng về nhân lực có đủ trình độ và có đủ khả năng thích ứng trong bối cảnh Khoa Học Công Nghệ không ngừng thay đổi và phát triển rất nhanh trong thời đại 4.0 hiện nay”.

Để xây dựng quốc gia thông minh thì phải xây dựng nền Giáo dục Thông minh. Từ đó đào tạo ra được các thế hệ công dân thông minh. Muốn làm được điều này, chúng ta cần áp dụng Công Nghệ Tiên Tiến với các thiết bị thông minh, chương trình học, phương pháp sư phạm, tổ chức quản lý nhà trường tương xứng để tăng tính hữu ích và linh hoạt của chương trình giảng dạy. Người học được phát triển năng lực tự chủ, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với các thay đổi của xã hội. Tuy nhiên ở nước ta, việc xây dựng mô hình trường học thông minh còn khá mới mẻ nên rất cần sự phối hợp giữa các đơn vị giáo dục để xây dựng và hoàn thiện thêm các yếu tố của mô hình này.

Trong buổi Hội thảo, nhiều giải pháp công nghệ cao đã được giới thiệu như mô hình Trường học Thông minh, giải pháp tích hợp Phòng học Tương tác Thông minh Đa phương tiện, Giáo dục Steam trong các cấp giáo dục phổ thông, Chuyển đổi số trong công tác quản lý tại nhà trường và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục. Tất cả đã tạo nên một bức tranh tổng thể về Ứng dụng Khoa Học và Công Nghệ trong Giáo Dục và Đào Tạo.

Ông Phạm Hoàng Nam, Trưởng phòng Dự án màn hình – Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Đức Pháp: “Tại Hội thảo lần này, ViewSonic hợp tác với Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Đức Pháp giới thiệu Màn Hình Tương Tác Thông Minh ViewSonic, phần mềm myViewBoard chuyên dùng cho Giáo dục và sự xuất hiện của các thiết bị khác như Camera Thông minh có tích hợp sẵn AI, các Phòng học Thông minh và Trường học Thông minh. Về ưu điểm, Màn Hình Tương Tác ViewSonic được tích hợp Công nghệ Lọc Ánh Sáng Xanh, Chống Bỏ Nháy Màn Hình và Chống Chói nên rất an toàn sức khỏe cho mắt của người dùng”.

Ông Phạm Hoàng Nam:Màn Hình Tương Tác Thông Minh ViewSonic được sử dụng nhiều ở các cấp học từ mầm non tới đại học với nhiều model và kích cỡ khác nhau. Đặc biệt, phần mềm myViewBoard là một phần mềm chuyên dụng cho giáo dục được cung cấp độc quyền cho tất cả màn hình của hãng ViewSonic được xây dựng và phát triển bởi ViewSonic. Với đội ngũ này, Đức Pháp đồng thời hợp tác với các đối tác Công nghệ hàng đầu như Google Education, Microsoft và Intel. Về hiệu quả, tạo nên các môi trường học tập an toàn, đào tạo ra các công dân hiện đại 4.0, tiết kiệm chi phí vận hành và nhân công của nhà trường, đối phó dễ dàng với khủng hoảng và dịch bệnh. Chẳng hạn, dịch Covid-19 vừa qua thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng màn hình tương tác dạy học online, bắt kịp với xu hướng công nghệ, giáo dục tiên tiến trên thế giới và nâng cao tầm quốc tế cho trường học”. 

Trong những năm qua, nhiều đơn vị nhà trường trên địa bàn Thành phố đã ứng dụng Công nghệ vào việc Giảng dạy như trường Tiểu học Chu Văn An đã sử dụng phần mềm Misa và Giáo Dục Steam trong xây dựng trường học điện tử và đem lại kết quả khả quan. Việc  tham gia vào các buổi hội thảo như thế này sẽ giúp các nhà giáo dục có thêm cơ hội tiếp cận và lựa chọn những sản phẩm công nghệ phù hợp với đơn vị của họ để nâng cao hơn nữa chất lượng Giáo dục và Đào tạo.

Thầy giáo Vũ Văn Hùng: “Trong buổi Hội Thảo này, chúng tôi được tiếp cận với một số thiết bị vô cùng thông minh, các thành tựu Khoa Học Công Nghệ của thế giới được đưa vào Việt Nam và một số phần mềm mà chúng tôi rất mong trong thời gian tới, ngành Giáo Dục Đào Tạo cũng như Sở Khoa Học và Công Nghệ sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận dụng các thành tựu Khoa Học Công Nghệ, các Giải pháp Ứng dụng để nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng đối với trường Tiểu học Chu Văn An của chúng tôi thì những năm học qua đã nghiêm túc thực hiện hiệu quả các thành tựu Khoa Học Công Nghệ, Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong giảng dạy. Sau mỗi tiết học, các cháu học sinh rất hứng thú học tập và chất lượng giáo dục cũng được nâng cao”.

Tuy thời gian diễn ra không lâu, nhưng với việc tổ chức khoa học và hợp lý, buổi Hội thảo Ứng Dụng Các Giải Pháp Công Nghệ Trong Lĩnh Vực Giáo Dục đã truyền tải được nội dung và ý nghĩa của Khoa Học Công Nghệ,  giới thiệu được nhiều sản phẩm thiết bị dạy học hữu ích. Nhờ vậy, điều này đã được các đơn vị và cá nhân tham gia đánh giá cao.

Ông Phạm Hoàng Nam: “Thực sự chúng tôi rất hoan nghênh các buổi Hội thảo như thế này, sự kết hợp giữa Sở Khoa Học và Công Nghệ và Sở Giáo Dục Và Đào Tạo của Thành phố Hải Phòng đưa tới cho Doanh nghiệp nhiều Giải pháp tiếp cận gần hơn với các đơn vị trường học trên địa bàn Thành phố. Cũng như chúng tôi sẽ có nhiều cách tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ nhà trường để có thể phát triển tiên tiến hơn nhằm phù hợp hơn với nền giáo dục Việt Nam”.

Việc tổ chức thành công buổi hội thảo này là tiền đề giúp Sở Khoa Học và Công Nghệ tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn nữa với Sở Giáo Dục và Đào Tạo trong các hoạt động tiếp theo.

Ông Dương Ngọc Tuấn: “Chúng tôi cũng có những kế hoạch hợp tác với ngành giáo dục, đặc biệt là vấn đề phổ cập và mở rộng, ứng dụng Công nghệ Giáo dục Steam vào giáo dục để giúp học sinh có khả năng thích ứng nhanh trong việc nghiên cứu và học tập là thứ nhất. Thứ hai là chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối để giúp các Cơ sở Giáo dục có thể tìm hiểu và tiếp cận Công nghệ mới thông qua các sàn giao dịch, kho dữ liệu và Trung tâm Giới thiệu Công nghệ để các trường học và các đơn vị khác trong ngành Giáo dục có thể tiếp cận được những kỹ thuật mới nhất và những nguồn công nghệ phù hợp nhất trong điều kiện của thành phố hiện nay”. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo trong các cấp giáo dục phổ thông, cần có sự tham gia đồng bộ của cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh và học sinh. Khi tìm ra mô hình Khoa Học Công Nghệ phù hợp, khả thi để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ học sinh yêu công nghệ, sẵn sàng hội nhập quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.